I. Điều 6 Luật Tài nguyên nước:
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng
công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải
vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa
bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các hoạt động
sau đây:
a) Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá
nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương
án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; tổng
hợp, tiếp thu, giải trình và gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư;
b) Công khai thông tin về những nội dung liên quan đến
khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những
ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện;
c) Kinh phí thực hiện hoạt động quy định tại khoản này
do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả.
2. Trường hợp dự án đầu tư có chuyển nước thì ngoài việc
thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án còn
phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân, tổ chức lưu vực sông về quy mô, phương án
chuyển nước trước khi lập dự án đầu tư. Việc lấy ý kiến được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có liên quan đối với
dự án có chuyển nước trong phạm vi lưu vực sông nội tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan và tổ chức
lưu vực sông đối với dự án có chuyển nước không thuộc trường hợp quy định tại
điểm a khoản này.
3. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên sông
thuộc lưu vực sông liên tỉnh mà không có chuyển nước thì ngoài việc thực hiện
các quy định 3
tại khoản 1 Điều này,
trước khi lập dự án đầu tư, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án còn có trách nhiệm
sau đây:
a) Lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh có liên quan và tổ chức lưu vực sông về quy mô, phương án đề xuất xây dựng
công trình trên dòng chính;
b) Thông báo trước với Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có liên quan và tổ chức lưu vực sông về quy mô, phương án đề xuất
xây dựng công trình trên dòng nhánh.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc lấy
ý kiến và việc công khai thông tin quy định tại Điều này.
II. Điều 2 Nghị định 201/2013/NĐ-CP:
Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng
dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả
nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân
trên địa bàn theo quy định tại Điều 6 của Luật tài nguyên nước được thực hiện
như sau:
1. Các dự án có xây dựng công trình
khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến
bao gồm:
a) Công trình hồ, đập có tổng dung
tích từ 500 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng
từ 10 m3/giây trở lên;
b) Công trình chuyển nước giữa các
nguồn nước;
c) Công trình hồ, đập làm gián đoạn
dòng chảy tự nhiên của sông, suối trên một đoạn có chiều dài từ một (01) km trở
lên;
d) Công trình xả nước thải vào nguồn
nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên;
đ) Công trình khai thác, sử dụng nước
dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên;
e) Các trường hợp quy định tại Khoản
này nếu có yếu tố bí mật quốc gia thì không phải thực hiện việc lấy ý kiến.
2. Thời điểm lấy ý kiến:
a) Trong quá trình lập dự án đầu tư đối
với trường hợp quy định tại Điểm a, b, c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Trong quá trình thăm dò đối với
công trình khai thác nước dưới đất quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này.
3. Nội dung thông tin cung cấp để tổ
chức lấy ý kiến bao gồm:
a) Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự
án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ
quan có thẩm quyền thẩm định dự án;
b) Kế hoạch triển khai
xây dựng công trình;
c) Tiến độ xây dựng công trình;
d) Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước,
đảm bảo nước cho các đối tượng sử dụng ở thượng và hạ lưu công trình trong quá
trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành;
đ) Các thông tin quy định tại Khoản 1
Điều 3 của Nghị định này;
e) Các số liệu, tài liệu khác liên
quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
4. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi nguồn
nước nội tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng
nguồn nước nội tỉnh, xả nước thải vào nguồn nước nội tỉnh quy định tại Điểm a,
c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi nguồn
nước liên tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng
nguồn nước liên tỉnh, xả nước thải vào nguồn nước liên tỉnh quy định tại Điểm
a, c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi có
nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển
nước từ nguồn nước nội tỉnh;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có
nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công
trình chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh;
đ) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự
kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức lấy ý kiến đối với công
trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này.
5. Trình tự lấy ý kiến:
a) Chủ dự án gửi các tài liệu, nội
dung quy định tại Khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tài
nguyên và Môi trường cấp huyện, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến
là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên
và Môi trường, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh;
b) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý
kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường
cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các buổi làm việc,
cuộc họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công
trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ dự án; tổng hợp ý kiến
trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cho chủ dự án;
c) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn bốn mươi (40) ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp
hoặc đối thoại trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho
ý kiến về công trình dự kiến xây dựng; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh gửi cho chủ dự án;
d) Ngoài các nội dung thông tin quy định
tại Khoản 3 Điều này, chủ dự án có trách nhiệm cung cấp bổ sung các số liệu,
báo cáo, thông tin về dự án nếu các cơ quan quy định tại Khoản 4 Điều này có
yêu cầu và trực tiếp báo cáo, thuyết minh, giải trình tại các cuộc họp lấy ý kiến
để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.
6. Chủ dự án có trách nhiệm tổng hợp,
tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải
trình là thành phần của hồ sơ dự án khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê
duyệt và phải được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
7. Việc lấy ý kiến hoặc thông báo trước
khi lập dự án đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 của
Luật tài nguyên nước được thực hiện như sau:
a) Đối với dự án có chuyển nước từ
nguồn nước nội tỉnh:
- Chủ dự án gửi văn bản lấy ý kiến
kèm theo quy mô, phương án chuyển nước và các thông tin, số liệu, tài liệu liên
quan tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi nguồn nước nội tỉnh
bị chuyển nước và Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Trong thời hạn bốn mươi (40) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên
và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy
ban nhân dân cấp xã tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức
có liên quan cho ý kiến về quy mô, phương án chuyển nước đề xuất hoặc đối thoại
trực tiếp với chủ dự án; tổng hợp ý kiến và gửi cho chủ dự án.
b) Đối với dự án có chuyển nước từ
nguồn nước liên tỉnh, dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng chính thuộc lưu vực
sông liên tỉnh:
- Chủ dự án gửi văn bản lấy ý kiến
kèm theo quy mô, phương án chuyển nước, phương án xây dựng công trình và các
thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi nguồn
nước liên tỉnh bị chuyển nước hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi dòng chính chảy
qua, tổ chức lưu vực sông và các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan;
- Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm gửi các tài liệu đến các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh;
- Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án:
+ Tổ chức lưu vực sông có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản cho chủ dự án;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các sở, ban, ngành liên
quan thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan cho ý kiến về công trình dự
kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ dự án tổng hợp ý kiến và trình Ủy
ban nhân dân tỉnh để gửi chủ dự án.
c) Đối với dự án đầu tư xây dựng hồ,
đập trên dòng nhánh thuộc lưu vực sông liên tỉnh:
Trước khi triển khai lập dự án đầu
tư, chủ dự án phải thông báo về quy mô, phương án đề xuất xây dựng công trình
cho tổ chức lưu vực sông, Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc lưu vực sông.
d) Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chủ dự
án hoàn chỉnh phương án xây dựng công trình gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
phép tài nguyên nước xem xét, chấp thuận về quy mô, phương án xây dựng công
trình trước khi lập dự án đầu tư.
8. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến
do chủ dự án chi trả.