1. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi (Điều 12 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP)
(1). Hồ chứa thủy điện, thủy lợi có
dung tích từ một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên phải thực hiện việc cắm
mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
(2). Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa
quy định tại Khoản 1 Điều này chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa. Phương
án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải có các nội
dung chính sau đây:
a) Thông số cơ bản của hồ chứa;
b) Hiện trạng quản lý, sử dụng đất
quanh hồ chứa;
c) Xác định phạm vi cụ thể của hành
lang bảo vệ hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng;
b) Tọa độ, địa danh hành chính của
các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000
đến 1/2.000;
đ) Phương án huy động nhân lực, vật
tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa;
e) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới,
kinh phí thực hiện.
(3). Trình tự, thủ tục thẩm định, phê
duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy
điện và hồ chứa thủy lợi quy định như sau:
a) Trong thời hạn mười (10) ngày làm
việc kể từ ngày nhận được phương án cắm mốc giới của tổ chức quản lý, vận hành
hồ chứa, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra phương án.
Trường hợp chưa đạt yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi
trường thông báo cho tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa để bổ sung hoàn
thiện;
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được phương án đạt yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều
này, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Công Thương,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa,
các cơ quan, đơn vị có liên quan; nếu cần thiết thì trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thành lập Hội đồng thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách
nhiệm tổng hợp ý kiến và gửi tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa để hoàn thiện. Tổ
chức quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến,
hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc.
(4). Căn cứ phương án cắm mốc giới đã
được phê duyệt, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa;
bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ.
(5). Thời hạn hoàn thành việc cắm mốc
giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quy định
như sau:
a) Đối với hồ chứa đang xây dựng,
chưa đưa vào vận hành, việc bàn giao mốc giới phải hoàn thành trước khi thực hiện
việc tích nước hồ chứa;
b) Đối với các hồ chứa đang hoạt động
mà chưa thực hiện việc bàn giao mốc giới theo quy định tại Nghị định số
112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp
tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì phải hoàn thành việc
bàn giao mốc giới trong thời hạn không quá hai (02) năm đối với hồ chứa thủy điện,
năm (05) năm đối với hồ chứa thủy lợi kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi
hành.
2 . Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân
cư tập trung và các nguồn nước khác (Điều 13 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP)
(1). Việc cắm mốc hành lang bảo vệ
nguồn nước được thực hiện đối với các đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các
đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề hoặc được
quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập
trung, làng nghề; hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung.
(2). Hằng năm, căn cứ vào Danh mục
các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp
với Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch
cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn và xây dựng phương án, kinh
phí cắm mốc chi tiết sau khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch.
(3). Phương án cắm mốc hành lang bảo
vệ nguồn nước có các nội dung chính sau đây:
a) Xác định phạm vi cụ thể của hành
lang bảo vệ nguồn nước trên sơ đồ mặt bằng;
b) Tọa độ, địa danh hành chính, khoảng
cách của các mốc giới trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 đến 1/2.000;
c) Phương án bồi thường, giải phóng mặt
bằng, tái định cư (nếu có);
d) Phương án tổ chức, huy động vật
tư, vật liệu, trang thiết bị, nhân lực, giải pháp kỹ thuật để triển khai trên
hiện trường;
đ) Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện;
e) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới.
(4). Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa theo
phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt; bàn giao
mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý, bảo
vệ.
(5). Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
trên địa bàn.
3. Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ
nguồn nước (Điều 14 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP)
(1). Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ
nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi do chủ hồ hoặc tổ chức quản lý hồ
chứa đảm bảo.
(2). Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ
nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị,
khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác do ngân sách nhà nước đảm bảo, bao
gồm ngân sách địa phương, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và được bổ sung từ nguồn
thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
(3). Đối với các địa phương có cân đối
ngân sách về Trung ương thì ngân sách địa phương tự cân đối thực hiện.
(4). Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi
trường có trách nhiệm rà soát, tổng hợp kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn
nước do các địa phương đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và từ nguồn thu
tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự
toán ngân sách hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách
4. Yêu cầu đối với các hoạt động
trong hành lang bảo vệ nguồn nước (Điều 15 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP)
(1). Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo
vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Không được gây sạt, lở bờ sông, suối,
kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an
toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa;
b) Không làm ảnh hưởng đến các chức
năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt;
c) Không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh
quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước;
d) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài
nguyên nước theo quy định của pháp luật.
(2). Tổ chức, cá nhân phải có ý kiến
thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức
năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động trong hành
lang bảo vệ nguồn nước sau đây:
a) Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu,
đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác;
b) San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh,
rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp
xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai;
c) Khoan, đào phục vụ hoạt động điều
tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công
trình, tháo khô mỏ;
d) Khai thác khoáng sản, vật
liệu xây dựng.