1. Hành nghề khoan nước dưới đất ( Điều
36 Luật tài nguyên nước)
1. Việc khoan điều tra, khảo sát,
thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân được phép
hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định
việc hành nghề khoan nước dưới đất.
2. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan
cấp phép và cơ quan tiếp nhận, thẩm định, quản lý hồ sơ cấp phép (Điều 3 Thông
tư số 40/TT-BTNMT)
1. Cơ quan cấp phép có trách nhiệm và
quyền hạn sau đây:
a) Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung,
cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép theo thẩm quyền quy định tại Điều
11 của Thông tư này;
b) Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện nghĩa vụ của chủ giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư
này.
2. Cơ quan tiếp nhận, thẩm định, quản
lý hồ sơ cấp phép (sau đây gọi chung là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép) có trách
nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn thủ tục cấp phép; tiếp
nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp
lại giấy phép theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 của Thông tư này;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp
phép bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ theo quy định;
c) Thông báo bằng văn bản cho tổ chức,
cá nhân đề nghị cấp phép, nêu rõ lý do trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện
cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép;
d) Trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
phép và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ cấp phép;
đ) Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật
về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động khoan nước dưới đất cho các
tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo, tập huấn;
e) Công bố danh sách các tổ chức, cá
nhân hành nghề được cấp phép và tổ chức, cá nhân hành nghề vi phạm các quy định
của giấy phép trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối
với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư
này hoặc trên trang thông tin điện tử của địa phương đối với trường hợp thuộc
thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này;
g) Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy phép.
3. Quyền và nghĩa vụ của chủ giấy
phép (Điều 4 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Chủ giấy phép có các quyền sau
đây:
a) Hoạt động hành nghề khoan nước dưới
đất trên phạm vi cả nước theo yêu cầu của khách hàng;
b) Tham gia đấu thầu thi công các
công trình khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất (sau đây
gọi chung là công trình khoan nước dưới đất) theo quy định của pháp luật;
c) Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi
ích hợp pháp quy định trong giấy phép;
d) Đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn,
điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép theo quy định;
đ) Khiếu nại, khởi kiện các hành vi
vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp trong việc hành nghề khoan nước dưới đất theo
quy định của pháp luật.
2. Chủ giấy phép có các nghĩa vụ sau
đây:
a) Hành nghề khoan nước dưới đất theo
đúng nội dung được ghi trong giấy phép và các quy định có liên quan của pháp luật
về tài nguyên nước;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy
định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm
2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên
nước;
c) Tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan
và các quy định về bảo vệ nước dưới đất; bảo đảm người chịu trách nhiệm chính về
kỹ thuật phải có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trong thời gian thi công khoan
và lắp đặt giếng khoan; trường hợp gây sụt lún đất hoặc gây sự cố bất thường
khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi
công công trình thì phải ngừng ngay việc thi công và xử lý, khắc phục kịp thời,
đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản do
sự cố gây ra, báo cáo ngay tới chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường
sở tại và cơ quan cấp phép;
d) Thông báo bằng văn bản về vị trí,
quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho Phòng
Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình chậm nhất là bảy (07) ngày làm việc
trước khi thi công;
đ) Nộp phí thẩm định hồ sơ và lệ phí
cấp phép;
e) Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ
liệu, thông tin về công trình khoan nước dưới đất đã thi công khi cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu;
g) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan
cấp phép và cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với trường hợp có sự thay đổi về
người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, nội dung đăng ký hoạt động kinh doanh
hoặc nhiệm vụ được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hồ sơ đề
nghị cấp phép. Thời gian thông báo chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày có
sự thay đổi. Trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật thì
thông báo phải kèm theo giấy tờ chứng minh năng lực của người chịu trách nhiệm
chính về kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này;
h) Trả lại giấy phép cho cơ quan cấp
phép trong trường hợp không sử dụng. Chủ giấy phép đã trả lại giấy phép chỉ được
xem xét cấp giấy phép mới (nếu có nhu cầu) sau một (01) năm, kể từ ngày trả lại
giấy phép;
i) Hằng năm, trước ngày 15 tháng 11,
tổng hợp các công trình khoan nước dưới đất (theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo
Thông tư này) báo cáo cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép.
4. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất
(Điều 5 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất
được quy định như sau:
a) Hành nghề khoan nước dưới đất quy
mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường
kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 milimét và thuộc công trình có lưu lượng
nhỏ hơn 200m3/ngày đêm;
b) Hành nghề khoan nước dưới đất quy
mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường
kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng
từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm;
c) Hành nghề khoan nước dưới đất quy
mô lớn gồm các trường hợp không quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.
2. Công trình quy định tại Khoản 1 Điều
này là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan nằm trong một khu vực thăm dò,
khai thác nước dưới đất và khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1000
mét, thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc cá nhân; lưu lượng của một công trình là
tổng lưu lượng của các giếng khoan thuộc công trình đó.
3. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy
phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy
mô đó và các quy mô nhỏ hơn; được hành nghề khoan, lắp đặt các lỗ khoan, giếng
khoan điều tra, khảo sát để phục vụ mục đích nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước
dưới đất và các mục đích khác, có đường kính tương đương với quy định tại Khoản
1 Điều này.
5. Điều kiện để được cấp giấy phép
hành nghề khoan nước dưới đất (Điều 7 Nghị định 136/2018/NĐ-CP)
Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước
dưới đất có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có quyết định thành lập tổ chức của
cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với
nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc
hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức,
cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật)
phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với hành nghề khoan nước dưới
đất quy mô nhỏ:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp
trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy
văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan hoặc công nhân khoan có tay nghề
bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo
hoặc thi công khoan ít nhất 03 (ba) công trình khoan nước dưới đất.
Trường hợp không có một trong các văn
bằng quy định nêu trên thì đã trực tiếp thi công ít nhất 05 (năm) công trình
khoan nước dưới đất;
b) Đối với hành nghề khoan nước dưới
đất quy mô vừa:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp
trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy
văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề
án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít
nhất 03 (ba) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở
lên;
c) Đối với hành nghề khoan nước dưới
đất quy mô lớn:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại
học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa
chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo
thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03
(ba) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên.”.
6. Thời hạn giấy phép (Điều 7 Thông
tư số 40/2014/TT-BTNMT)
Thời hạn của giấy phép hành nghề
khoan nước dưới đất là năm (05) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần
gia hạn là ba (03) năm.
7. Gia hạn giấy phép (Điều 8 Thông tư
số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Việc gia hạn giấy phép hành nghề
khoan nước dưới đất căn cứ vào điều kiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này
và các điều kiện cụ thể sau đây:
a) Trong quá trình hành nghề, tổ chức,
cá nhân được cấp phép (sau đây gọi chung là chủ giấy phép) thực hiện đầy đủ
nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này;
b) Tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị
gia hạn giấy phép, giấy phép đã được cấp còn hiệu lực ít nhất ba mươi (30)
ngày.
2. Trong thời hạn quy định tại Điểm b
Khoản 1 Điều này, nếu chủ giấy phép đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép thì
chủ giấy phép được tiếp tục hành nghề trong khoảng thời gian kể từ khi giấy
phép cũ hết hiệu lực cho đến khi nhận được giấy phép đã được gia hạn hoặc văn bản
thông báo không gia hạn giấy phép của cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép.
3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép nộp
sau thời điểm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này không được chấp nhận. Trong
trường hợp này, chủ giấy phép phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và chỉ
được xem xét cấp giấy phép sau ba (03) tháng kể từ ngày nộp hồ sơ nếu tại thời
điểm nộp hồ sơ giấy phép cũ vẫn còn hiệu lực hoặc sau sáu (06) tháng kể từ ngày
nộp hồ sơ nếu tại thời điểm nộp hồ sơ giấy phép cũ đã hết hiệu lực.
Thời điểm nộp hồ sơ được tính theo
ngày ghi trên dấu bưu điện nơi gửi hoặc ngày tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ nộp trực
tiếp tại cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép.
8. Điều chỉnh nội dung giấy phép (Điều
9 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Các trường hợp điều chỉnh nội dung
giấy phép:
a) Chủ giấy phép thay đổi địa chỉ trụ
sở chính (đối với tổ chức), địa chỉ thường trú (đối với cá nhân hộ gia đình);
b) Chủ giấy phép đề nghị thay đổi quy
mô hành nghề;
c) Cơ quan cấp phép quyết định thay đổi
quy mô hành nghề do chủ giấy phép không còn đáp ứng điều kiện hành nghề đối với
quy mô hành nghề theo giấy phép đã được cấp.
2. Trường hợp cơ quan cấp phép quyết
định điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này
thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ba mươi (30)
ngày.
3. Việc xem xét điều chỉnh nội dung
giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất căn cứ các điều kiện quy định tại Điều
6 và Khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.
9. Đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy
phép (Điều 10 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Việc đình chỉ hiệu lực giấy phép
được thực hiện như sau:
a) Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực khi
chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định trong giấy phép gây sụt, lún đất, biến
dạng công trình hoặc gây ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước;
b) Thời hạn đình chỉ hiệu lực giấy
phép không quá ba (03) tháng;
c) Trong thời gian giấy phép bị đình
chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải
có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của
pháp luật;
d) Khi hết thời hạn đình chỉ hiệu lực
giấy phép mà cơ quan cấp phép không có quyết định khác thì chủ giấy phép được
tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
2. Việc thu hồi giấy phép được thực
hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo
tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy
phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;
b) Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể
hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản;
c) Chủ giấy phép vi phạm quyết định
đình chỉ hiệu lực của giấy phép, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của
giấy phép;
d) Giấy phép được cấp không đúng thẩm
quyền;
đ) Giấy phép đã được cấp nhưng chủ giấy
phép không thực hiện nghĩa vụ tài chính và không nhận giấy phép.
3. Trường hợp giấy phép bị thu hồi
quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 2 Điều này, chủ giấy phép chỉ được xem xét cấp
giấy phép mới sau ba (03) năm kể từ ngày giấy phép bị thu hồi sau khi đã thực
hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến việc thu hồi giấy phép cũ.
4. Trường hợp giấy phép bị thu hồi
quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét việc
cấp giấy phép mới.
5. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy
định tại Điều 11 của Thông tư này quyết định việc thu hồi giấy phép.
10. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh
nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hành nghề khoan nước dưới
đất (Điều 11 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp,
gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép
hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 của
Thông tư này.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cấp, gia hạn,
điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hành nghề
khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều
5 của Thông tư này đối với các tổ chức, cá nhân có địa chỉ thường trú trên địa
bàn.
11. Cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép (Điều
12 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
1. Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với các trường
hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp
phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.