1. Trình tự, thủ tục cấp phép (Điều
13 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
(1). Hồ sơ đề nghị cấp phép hành nghề
khoan nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp phép hành nghề
khoan nước dưới đất (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao
chụp có xác nhận của cơ quan cấp quyết định thành lập tổ chức hoặc giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép; trường hợp chỉ
có bản sao chụp thì phải kèm bản chính để đối chiếu;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao
chụp có xác nhận của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm
chính về kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và hợp đồng
lao động đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hợp đồng lao động
với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật; trường hợp chỉ có bản sao chụp
thì phải kèm bản chính để đối chiếu;
d) Bản khai kinh nghiệm chuyên môn
trong hoạt động khoan nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật
của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông
tư này).
(2). Nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp
một (01) bộ hồ sơ trực tiếp (hoặc gửi qua đường bưu điện) đến cơ quan thụ lý hồ
sơ cấp phép. Trường hợp cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép là Cục Quản lý tài nguyên
nước thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải gửi thêm một (01) bộ hồ sơ tới
Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi đăng ký địa chỉ thường trú của tổ chức,
cá nhân.
(3). Tiếp nhận hồ sơ:
Trong thời hạn không quá ba (03) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép có trách nhiệm
xem xét, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp
phép chưa đầy đủ, không hợp lệ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép trả lại hồ sơ và
thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn
thiện hồ sơ theo quy định.
(4). Thẩm định hồ sơ:
a) Trong thời hạn không quá mười lăm
(15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp
phép có trách nhiệm thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp
phép; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ và
thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị
cấp phép;
b) Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm:
- Căn cứ pháp lý của việc đề nghị cấp
phép hành nghề; sự đáp ứng các điều kiện hành nghề theo quy định tại Điều 6 của
Thông tư này;
- Trường hợp cần thiết, cơ quan thụ
lý hồ sơ cấp phép có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép giải
trình, bổ sung để làm rõ nội dung hồ sơ; tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện
hành nghề, năng lực chuyên môn kỹ thuật của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép
hoặc đề nghị cơ quan Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi đăng ký địa chỉ
thường trú của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép tiến hành kiểm tra thực tế. Cơ
quan được đề nghị kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra và trả lời bằng văn bản cho
cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể
từ ngày nhận được văn bản đề nghị kiểm tra;
c) Trong thời hạn không quá bảy (07)
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép đối với các trường hợp
hồ sơ do Cục Quản lý tài nguyên nước thụ lý, Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về hồ sơ đề nghị cấp phép. Quá
thời hạn đó, coi như Sở Tài nguyên và Môi trường không có ý kiến đối với hồ sơ
đề nghị cấp phép và tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
(5). Quyết định cấp phép:
a) Trong thời hạn không quá ba (03)
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cấp phép, cơ quan có thẩm quyền
cấp phép quyết định cấp giấy phép hành nghề (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo
Thông tư này). Trường hợp không chấp nhận cấp phép, cơ quan thụ lý hồ sơ phải
thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép, trong đó nêu rõ
lý do không cấp phép;
b) Giấy phép đã cấp được giao trực tiếp
cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép tại cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép hoặc được
gửi qua đường bưu điện sau khi chủ giấy phép đã nộp đầy đủ phí và lệ phí theo
quy định.
2. Trình tự, thủ tục gia hạn, điều chỉnh
nội dung giấy phép (Điều 14 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT)
(1). Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh
nội dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội
dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất (theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo
Thông tư này);
b) Bản sao giấy phép đã được cấp;
c) Bảng tổng hợp các công trình khoan
nước dưới đất do tổ chức, cá nhân thực hiện trong thời gian sử dụng giấy phép
đã được cấp (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Đối với trường hợp đề nghị gia hạn
giấy phép mà có sự thay đổi người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật thì ngoài
những tài liệu quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này, hồ sơ đề nghị
gia hạn giấy phép còn bao gồm:
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao
chụp có xác nhận của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm
chính về kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và hợp đồng
lao động đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hợp đồng lao động
với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật; trường hợp chỉ có bản sao chụp
thì phải kèm bản chính để đối chiếu;
- Bản khai kinh nghiệm chuyên môn
trong hoạt động khoan nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật
(theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
đ) Đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh
nội dung giấy phép, ngoài những tài liệu quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c
Khoản này, hồ sơ đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép còn bao gồm giấy tờ, tài
liệu chứng minh việc thay đổi địa chỉ thường trú (đối với trường hợp thay đổi địa
chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân hộ gia đình
hành nghề) hoặc các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực đáp ứng quy mô hành
nghề theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 của Thông tư này (đối với trường
hợp đề nghị điều chỉnh quy mô hành nghề).
(2). Nộp hồ sơ:
Việc nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, điều
chỉnh nội dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định
tại Khoản 2 Điều 13 của Thông tư này.
(3). Trình tự tiếp nhận, thẩm định hồ
sơ, quyết định gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và hình thức trả giấy
phép thực hiện theo quy định tại các Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 13 của
Thông tư này; riêng thời hạn thẩm định hồ sơ và trình cấp phép không quá mười
(10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Giấy phép gia hạn, điều chỉnh
thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cấp lại giấy phép (Điều 15 Thông
tư số 40/2014/TT-BTNMT)
(1). Giấy phép được cấp lại trong các
trường hợp và điều kiện sau đây:
a) Bị mất;
b) Bị rách nát, hư hỏng không thể sử
dụng được;
c) Tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp
lại giấy phép, giấy phép đã được cấp còn hiệu lực ít nhất bốn mươi lăm (45) ngày.
(2). Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép
hành nghề khoan nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hành
nghề khoan nước dưới đất (theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Tài liệu chứng minh lý do đề nghị
cấp lại giấy phép.
(3). Nộp hồ sơ:
Việc nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy
phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 13
của Thông tư này.
(4). Trình tự, thủ tục cấp lại giấy
phép quy định như sau:
a) Trong thời hạn không quá năm (05)
ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép có
trách nhiệm thẩm định, nếu đủ điều kiện thì trình cấp có thẩm quyền cấp lại giấy
phép mới cho chủ giấy phép. Trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan tiếp nhận hồ
sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo lý do.
b) Thời hạn ghi trong giấy phép được
cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó (giấy phép cấp
lại thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Việc quyết định cấp lại giấy
phép và hình thức trả giấy phép thực hiện như quy định tại Khoản 5 Điều 13 của
Thông tư này.