1. Biện pháp sử dụng nước tiết kiệm,
hiệu quả (Điều 39 Luật tài nguyên nước)
1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng
nước phải thực hiện các biện pháp sau đây để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả:
a) Đúng mục đích, hợp lý;
b) Có kế hoạch thay thế, loại bỏ dần
phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước;
c) Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử
dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử
dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước
mưa để sử dụng;
d) Bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ
phù hợp với điều kiện nguồn nước; cải tiến, hợp lý hóa và áp dụng các biện
pháp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, xây dựng, duy tu, vận hành các công trình dẫn
nước, giữ nước để tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm tổ chức xây dựng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến,
tuyên truyền mô hình, công nghệ, thiết bị tiết kiệm nước.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền
quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng nước nhằm thúc đẩy, khuyến khích sử dụng nước tiết
kiệm, hiệu quả;
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch và
chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu áp dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
nhằm loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành định mức tiêu thụ nước trong các hoạt
động thuộc phạm vi quản lý của mình; thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy
định của pháp luật trong khai thác, sử dụng nước, định mức tiêu thụ nước.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện
quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương.
2. Hạn chế thất thoát nước trong các
hệ thống cấp nước (Điều 40 Luật tài nguyên nước)
1. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành
hệ thống cấp nước phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và vận hành hệ thống cấp nước
nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất
thoát, lãng phí nước.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành
công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải áp dụng các biện pháp phòng, chống
thấm và bảo đảm vận hành hệ thống với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu
cung cấp nước hợp lý, hiệu quả và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước.
3. Ưu đãi đối với hoạt động sử dụng
nước tiết kiệm, hiệu quả (Điều 41 Luật tài nguyên nước)
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước
tuần hoàn, tái sử dụng nước, thu gom, sử dụng nước mưa, sử dụng nước được khử
muối từ nước lợ, nước mặn, đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước, được vay
vốn ưu đãi và miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định việc ưu đãi đối
với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
4. Phát triển khoa học, công nghệ sử
dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Điều 42 Luật tài nguyên nước)
1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện
thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công
nghệ xử lý nước thải, cải tạo, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn
kiệt, tái sử dụng nước và công nghệ khác nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí và xây dựng các chương trình nghiên
cứu khoa học, công nghệ nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và xử lý, cải tạo,
khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.
3. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng
dụng và phát triển công nghệ nhằm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả được ưu
tiên bao gồm:
a) Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển
công nghệ nhằm sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước nâng cao hiệu quả sử dụng
nước trong các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp;
b) Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển
công nghệ xử lý nước thải, cải tạo, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái,
cạn kiệt;
c) Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ
tiên tiến trong việc vận hành điều tiết nước hồ chứa, khai thác và sử dụng hợp
lý nguồn nước;
d) Ứng dụng giải pháp công nghệ để chế
tạo mới các phương tiện, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm; cải tiến, đổi mới,
nâng cấp thiết bị sử dụng nước;
đ) Ứng dụng giải pháp sử dụng nước tiết
kiệm và hiệu quả trong quá trình thiết kế, thi công công trình xây dựng.
5. Nguyên tắc ưu đãi (Điều 4 Nghị định
số 54/2015/NĐ-CP)
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực
hiện nhiều hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thuộc trường hợp được hưởng
ưu đãi thì được hưởng ưu đãi tương ứng với các hoạt động đó theo quy định của
Nghị định này.
2. Một hoạt động sử dụng nước tiết kiệm,
hiệu quả nếu được hưởng các hình thức, mức ưu đãi khác nhau theo quy định của
pháp luật thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được lựa chọn hình thức, mức ưu đãi
có lợi nhất.
3. Không ưu đãi đối với hoạt động đầu
tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước lạc hậu.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5
Nghị định số 54/2015/NĐ-CP)
1. Khai báo không trung thực, giả mạo
hồ sơ, gian lận để được hưởng ưu đãi; sử dụng ưu đãi không đúng mục đích.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong
việc thực hiện chính sách ưu đãi hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
3. Gây khó khăn, cản trở tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân trong việc được hưởng ưu đãi.
7. Các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm,
hiệu quả được hưởng ưu đãi (Điều 6 Nghị định số 54/2015/NĐ-CP)
1. Tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần
hoàn:
a) Tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải
tạo nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40
m3/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp
với mục đích được tái sử dụng và sử dụng lượng nước đó cho các hoạt động của
mình đạt từ 80% trở lên;
b) Tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải
tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn
cho các hoạt động của mình với quy mô từ 500 m3/ngày đêm trở lên, nhưng không
bao gồm hoạt động sử dụng nước tuần hoàn để làm mát và các hình thức tuần hoàn
khác theo quy trình, công nghệ sản xuất;
c) Tổ chức quản lý khai thác công
trình thủy lợi đầu tư cải tạo nâng cấp, sửa chữa các hạng mục của hệ thống thủy
lợi để sử dụng nước hồi quy trong phạm vi hệ thống thủy lợi với tỷ lệ từ 15% trở
lên lượng nước cấp vào hệ thống.
2. Thu gom nước mưa để sử dụng cho
sinh hoạt:
a) Tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống
thu gom nước mưa, dự trữ vào bể chứa có dung tích từ 500 m3 trở lên để sử dụng
cho mục đích sinh hoạt tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước ngọt;
b) Hộ gia đình, cá nhân xây dựng hệ
thống thu gom nước mưa, dự trữ vào bể chứa có dung tích từ 05 m3 trở lên để sử
dụng cho mục đích sinh hoạt tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.
3. Khử muối từ nước lợ, nước mặn
thành nước ngọt để sử dụng cho mục đích sinh hoạt:
a) Tổ chức đầu tư xây dựng công
trình, lắp đặt thiết bị, áp dụng công nghệ khử muối từ nước lợ, nước mặn thành
nước ngọt có quy mô từ 02 m3/ngày đêm trở lên đối với vùng biển, hải đảo, từ 10
m3/ngày đêm trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các vùng bị xâm
nhập mặn;
b) Hộ gia đình, cá nhân lắp đặt thiết
bị, áp dụng công nghệ khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt, có quy mô
từ 0,2 m3/ngày đêm trở lên đối với vùng biển, hải đảo, từ 01 m3/ngày đêm trở
lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các vùng bị xâm nhập mặn để sử dụng
cho mục đích sinh hoạt.
4. Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết
bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm:
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản
phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm,
thiết bị, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm mà trong nước chưa sản xuất
được đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành.
5. Áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện
pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng
công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước cho sản xuất nông nghiệp đáp
ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành với quy
mô từ 0,5 ha trở lên đối với tưới lúa nước, 01 ha trở lên đối với tưới cây trồng
cạn.
8. Ưu đãi đối với hoạt động tái sử dụng
nước, sử dụng nước tuần hoàn (Điều 7 Nghị định số 54/2015/NĐ-CP)
Hoạt động tái sử dụng nước, sử dụng
nước tuần hoàn thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này
được hưởng các hình thức ưu đãi sau đây:
1. Được vay vốn ưu đãi theo quy định
của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
2. Được miễn, giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
9. Ưu đãi đối với hoạt động đầu tư sản
xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm (Điều 8
Nghị định số 54/2015/NĐ-CP)
1. Hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm,
thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 6 của
Nghị định này được hưởng các ưu đãi sau đây:
a) Được vay vốn ưu đãi theo quy định
của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước;
b) Được miễn, giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm,
thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Hoạt động nhập khẩu sản phẩm, thiết
bị, công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 6 của
Nghị định này được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.
10. Ưu đãi đối với hoạt động thu gom
nước mưa, khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho sinh hoạt,
áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông
nghiệp (Điều 9 Nghị định 54/2015/NĐ-CP)
Hoạt động thu gom nước mưa, khử
muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện
pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp thuộc trường hợp quy định tại
Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 6 của Nghị định này được vay vốn ưu đãi theo
quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.