1. Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng
tài nguyên nước (Điều 44 Luật tài nguyên nước)
1. Các trường hợp khai thác, sử dụng
tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép:
a) Khai thác, sử dụng nước cho sinh
hoạt của hộ gia đình;
b) Khai thác, sử dụng nước với quy mô
nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
c) Khai thác, sử dụng nước biển để sản
xuất muối;
d) Khai thác, sử dụng nước phục vụ
các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
đ) Khai thác, sử dụng nước cho phòng
cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp
khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
2. Trường hợp khai thác nước dưới đất
quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này ở các vùng mà mực nước đã bị
suy giảm quá mức thì phải đăng ký.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng
tài nguyên nước không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều
này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật này
cấp giấy phép trước khi quyết định việc đầu tư.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc
đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
2. Nguyên tắc cấp phép (Điều 18 Nghị
định 201/2013/NĐ-CP)
1. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và
trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tài nguyên nước và bảo
vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai
thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt.
4. Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn
nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải
vào nguồn nước.
5. Phù hợp với quy hoạch tài nguyên
nước đã được phê duyệt.
3. Căn cứ cấp phép (Điều 19 Nghị định
201/2013/NĐ-CP)
1. Việc cấp phép tài nguyên nước phải
trên cơ sở các căn cứ sau đây:
a) Chiến lược, quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương;
b) Quy hoạch tài nguyên nước đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch tài nguyên nước thì
phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm
nguồn nước;
c) Hiện trạng khai thác, sử dụng nước
trong vùng;
d) Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền đối với hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài
nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
đ) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước, xả
nước thải thể hiện trong đơn đề nghị cấp phép.
2. Trường hợp cấp phép xả nước thải
vào nguồn nước, ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này còn phải căn cứ
vào các quy định sau đây:
a) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về chất lượng nước thải, chất lượng của nguồn nước tiếp nhận nước thải; các
yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chức năng của nguồn nước;
c) Khả năng tiếp nhận nước thải của
nguồn nước;
d) Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước
sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước.
3. Trường hợp cấp phép thăm dò, khai
thác, sử dụng nước dưới đất, ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này còn
phải căn cứ vào các quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 52 của Luật tài nguyên
nước.
4. Điều kiện cấp phép (Điều 20 Nghị định
201/2013/NĐ-CP)
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép
tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý
kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của
Nghị định này.
2. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy
hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước,
khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước.
Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định
của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án,
báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án, biện pháp xử lý nước thải
thể hiện trong đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm nước thải
được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương án thiết kế công trình hoặc
công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai
thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.
3. Đối với trường hợp xả nước thải
vào nguồn nước, ngoài điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, còn
phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp
đồng thuê tổ chức, cá nhân khác đủ năng lực thực hiện việc vận hành hệ thống xử
lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công
trình xả nước thải;
b) Có phương án bố trí thiết bị, nhân
lực để thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động
xả nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xả nước thải;
c) Đối với trường hợp xả nước thải
quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, còn phải có phương án,
phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước
và thực hiện việc giám sát hoạt động xả nước thải theo quy định.
4. Đối với trường hợp khai thác, sử dụng
nước dưới đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, ngoài điều kiện quy định
tại các Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp
đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt
động khai thác nước theo quy định; trường hợp chưa có công trình thì phải có
phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động
khai thác nước.
5. Đối với trường hợp khai thác, sử dụng
nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định
tại Điểm b Khoản 2 Điều 53 của Luật tài nguyên nước, điều kiện quy định tại Khoản
1 và Khoản 2 Điều này và các điều kiện sau đây:
a) Có phương án bố trí thiết bị, nhân
lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước;
phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục
vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;
b) Có quy trình vận hành hồ chứa; có
thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực
hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước,
quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ
chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
5. Thời hạn của giấy phép (Điều 21
Nghị định 201/2015/NĐ-CP)
1. Thời hạn của giấy phép tài nguyên
nước được quy định như sau:
a) Giấy phép khai thác, sử dụng nước
mặt, nước biển có thời hạn tối đa là mười lăm (15) năm, tối thiểu là năm (05)
năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là ba (03)
năm, tối đa là mười (10) năm;
b) Giấy phép thăm dò nước dưới đất có
thời hạn là hai (02) năm và được xem xét gia hạn một (01) lần, thời gian gia hạn
không quá một (01) năm;
c) Giấy phép khai thác, sử dụng nước
dưới đất có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được
xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là
năm (05) năm;
d) Giấy phép xả nước thải vào nguồn
nước có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được xem
xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là năm
(05) năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời
hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại Khoản này thì giấy phép được cấp
hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.
2. Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước,
mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ
sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép
quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép
6. Gia hạn giấy phép (Điều 22 Nghị định
201/2013/NĐ-CP)
1. Việc gia hạn giấy phép thăm dò,
khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ vào
các quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này và các điều kiện
sau đây:
a) Giấy phép vẫn còn hiệu lực và hồ
sơ đề nghị gia hạn giấy phép được nộp trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít
nhất chín mươi (90) ngày;
b) Đến thời điểm đề nghị gia hạn, tổ
chức, cá nhân được cấp giấy phép đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến
giấy phép đã được cấp theo quy định của pháp luật và không có tranh chấp;
c) Tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy
phép, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước
của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, khả năng đáp ứng của
nguồn nước.
2. Đối với trường hợp khác với quy định
tại Điểm a Khoản 1 Điều này thì tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng
tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy
phép mới.
7. Điều chỉnh giấy phép (Điều 23 Nghị
định 201/2013/NĐ-CP)
1. Các trường hợp điều chỉnh giấy
phép thăm dò nước dưới đất:
a) Điều kiện mặt bằng không cho phép
thi công một số hạng mục trong đề án thăm dò đã được phê duyệt;
b) Có sự khác biệt giữa cấu trúc địa
chất thủy văn thực tế và cấu trúc địa chất thủy văn dự kiến trong đề án thăm dò
đã được phê duyệt;
c) Khối lượng hạng mục thăm dò thay đổi
vượt quá 10% so với khối lượng đã được phê duyệt.
2. Các trường hợp điều chỉnh giấy
phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
a) Nguồn nước không bảo đảm việc cung
cấp nước bình thường;
b) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước
tăng mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;
c) Xảy ra các tình huống khẩn cấp cần
phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước;
d) Khai thác nước gây sụt, lún mặt đất,
biến dạng công trình, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;
đ) Lượng nước thực tế khai thác của
chủ giấy phép nhỏ hơn 70% so với lượng nước được cấp phép trong thời gian mười
hai (12) tháng liên tục mà không thông báo lý do cho cơ quan cấp phép;
e) Chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh nội
dung giấy phép khác với quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Các trường hợp điều chỉnh giấy
phép xả nước thải vào nguồn nước:
a) Nguồn nước không còn khả năng tiếp
nhận nước thải;
b) Nhu cầu xả nước thải tăng mà chưa
có biện pháp xử lý, khắc phục;
c) Xảy ra các tình huống khẩn cấp cần
phải hạn chế việc xả nước thải vào nguồn nước;
d) Do chuyển đổi chức năng nguồn nước;
đ) Chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh nội
dung giấy phép khác với quy định tại Khoản 4 Điều này.
4. Các nội dung trong giấy phép không
được điều chỉnh:
a) Nguồn nước khai thác, sử dụng; nguồn
nước tiếp nhận nước thải;
b) Lượng nước khai thác, sử dụng vượt
quá 25% quy định trong giấy phép đã được cấp;
c) Lượng nước xả vượt quá 25% quy định
trong giấy phép đã được cấp;
d) Thông số, nồng độ các chất ô nhiễm,
quy chuẩn áp dụng quy định trong giấy phép xả nước thải, trừ trường hợp cơ quan
cấp phép yêu cầu điều chỉnh hoặc chủ giấy phép đề nghị áp dụng mức quy chuẩn
cao hơn.
Trường hợp cần điều chỉnh nội dung
quy định tại Khoản này, chủ giấy phép phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới.
5. Trường hợp chủ giấy phép đề nghị
điều chỉnh giấy phép thì chủ giấy phép phải lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép theo
quy định của Nghị định này; trường hợp cơ quan cấp phép điều chỉnh giấy phép
thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ít nhất chín
mươi (90) ngày.
8. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép
(Điều 24 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)
1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực khi
chủ giấy phép có một trong những vi phạm sau đây:
a) Vi phạm nội dung quy định trong giấy
phép gây ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước;
b) Chuyển nhượng quyền khai thác tài
nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận;
c) Không thực hiện nghĩa vụ tài chính
theo quy định;
d) Lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt
động trái quy định của pháp luật.
2. Thời hạn đình chỉ giấy phép:
a) Không quá ba (03) tháng đối với giấy
phép thăm dò nước dưới đất;
b) Không quá mười hai (12) tháng đối
với giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
3. Trong thời gian giấy phép bị đình
chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải
có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của
pháp luật.
4. Khi hết thời hạn đình chỉ hiệu lực
của giấy phép mà cơ quan cấp phép không có quyết định khác thì chủ giấy phép được
tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
9. Thu hồi giấy phép ( Điều 25 Nghị định
201/2013/NĐ-CP)
1. Việc thu hồi giấy phép được thực
hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo
tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy
phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;
b) Tổ chức là chủ giấy phép bị giải
thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa
án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất
tích;
c) Chủ giấy phép vi phạm quyết định
đình chỉ hiệu lực của giấy phép, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của
giấy phép;
d) Giấy phép được cấp không đúng thẩm
quyền;
đ) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng;
e) Giấy phép đã được cấp nhưng chủ giấy
phép không thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.
2. Trường hợp giấy phép bị thu hồi
quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều này, chủ giấy phép chỉ được xem xét cấp
giấy phép mới sau ba (03) năm, kể từ ngày giấy phép bị thu hồi sau khi đã thực
hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến việc thu hồi giấy phép cũ.
3. Trường hợp giấy phép bị thu hồi
quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép
xem xét việc cấp giấy phép mới.
4. Trường hợp giấy phép bị thu hồi
quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này thì chủ giấy phép được nhà nước bồi thường
thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của
pháp luật.
10. Trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu
lực của giấy phép (Điều 26 nghị định 201/2013/NĐ-CP)
1. Giấy phép tài nguyên nước đã được
cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có
quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do.
2. Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực
trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép bị thu hồi;
b) Giấy phép đã hết hạn;
c) Giấy phép đã được trả lại.
3. Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực
thì các quyền liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.
11. Cấp lại giấy phép (Điều 27 Nghị định
201/2013/NĐ-CP)
1. Giấy phép được cấp lại trong các
trường hợp sau đây:
a) Giấy phép bị mất, bị rách nát, hư
hỏng;
b) Tên của chủ giấy phép đã được cấp
bị thay đổi do nhận chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức làm
thay đổi chủ quản lý, vận hành công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài
nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhưng không có sự thay đổi các nội
dung khác của giấy phép.
2. Thời hạn ghi trong giấy phép được
cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó
12. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh,
đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước (Điều 28 Nghị định
201/2013/NĐ-CP )
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp,
gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với
các trường hợp sau đây:
a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước
đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ
tướng Chính phủ;
b) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối
với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản
xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để
phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;
đ) Khai thác, sử dụng nước mặt cho
các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;
e) Khai thác, sử dụng nước biển cho mục
đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 100.000 m3/ngày đêm trở
lên;
g) Xả nước thải với lưu lượng từ
30.000 m3/ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản;
h) Xả nước thải với lưu lượng từ
3.000 m3/ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia
hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các
trường hợp không quy định tại Khoản 1 Điều này.
13. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ
sơ, giấy phép (Điều 29 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)
Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ,
giấy phép (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm:
1. Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ
sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp
phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
14. Trình tự, thủ tục đình chỉ giấy
phép về tài nguyên nước (Điều 37 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)
1. Khi phát hiện chủ giấy phép có các
vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 24 của Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền cấp
giấy phép có trách nhiệm xem xét đình chỉ hiệu lực của giấy phép.
2. Căn cứ vào mức độ vi phạm của chủ
giấy phép, mức độ ảnh hưởng của việc đình chỉ giấy phép đến hoạt động sản xuất
và đời sống của nhân dân trong vùng, cơ quan cấp giấy phép quyết định thời hạn
đình chỉ hiệu lực của giấy phép.
3. Cơ quan cấp giấy phép có thể xem
xét rút ngắn thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép khi chủ giấy phép đã khắc
phục hậu quả liên quan đến lý do đình chỉ giấy phép và hoàn thành các nghĩa vụ
theo quy định của pháp luật.
15. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy
phép về tài nguyên nước (Điều 38 Nghị định 201/2013/NĐ-CP)
1. Khi thực hiện công tác kiểm tra,
thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện giấy phép, nếu phát hiện các trường
hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 25 của Nghị định này thì cơ quan
có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho cơ
quan cấp phép; nếu phát hiện các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1
Điều 25 của Nghị định này, thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra xử lý
theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép.
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm
việc kể từ khi nhận được báo cáo, cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét việc
thu hồi giấy phép.
2. Đối với trường hợp cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 25
của Nghị định này thì phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước chín mươi
(90) ngày.
3. Đối với trường hợp giấy
phép bị thu hồi theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 25 của Nghị định này thì
trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ
quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem
xét việc thu hồi giấy phép.