1. Nguyên tắc khoanh định và áp dụng
các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ( Điều 3 Nghị định
167/2018/NĐ-CP)
1. Việc khoanh định và áp dụng các biện
pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các
tiêu chí khoanh định và các biện pháp hạn chế cụ thể đối với từng vùng, từng
khu vực theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị
định này.
2. Nguyên tắc khoanh định vùng hạn chế
khai thác nước dưới đất:
a) Bảo đảm phù hợp với quy mô, tính
chất của các khu vực gây sụt, lún, ô nhiễm, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước
dưới đất, đặc điểm của các tầng chứa nước; tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, định
mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;
b) Ranh giới vùng hạn chế khai thác
nước dưới đất phải thể hiện trên bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
được thành lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình có cùng tỷ lệ;
c) Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí
khoanh định cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế theo quy định của
Nghị định này, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật khác có
liên quan và phải bảo đảm công khai, minh bạch. Không mở rộng phạm vi khoanh định
các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất vượt quá phạm vi quy định tại Nghị
định này;
d) Thông tin, số liệu sử dụng để làm
căn cứ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm đầy đủ, rõ
ràng, chính xác và trung thực.
3. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn
chế khai thác nước dưới đất:
a) Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước
dưới đất, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức,
cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp
quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) trong trường hợp bị thu hồi giấy phép
khai thác, sử dụng nước dưới đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo
quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp
hạn chế khai thác được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế
và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định
này. Không áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất khác với các
biện pháp quy định tại Nghị định này;
c) Ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt,
cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai;
d) Thực hiện theo phương án, lộ trình
phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước.
4. Trường hợp phát hiện việc khoanh định
hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất không phù hợp với
các tiêu chí quy định của Nghị định này thì phải tạm dừng việc thực hiện các biện
pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp đó để rà soát, điều
chỉnh cho phù hợp. Trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân khai thác nước dưới đất thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của
pháp luật.
2. Phân loại vùng hạn chế khai thác
nước dưới đất (Điều 4 Nghị định 167/2018/NĐ-CP)
1. Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
(sau đây gọi tắt là vùng hạn chế) được phân loại bao gồm các vùng sau đây:
a) Vùng hạn chế 1;
b) Vùng hạn chế 2;
c) Vùng hạn chế 3;
d) Vùng hạn chế 4;
đ) Vùng hạn chế hỗn hợp.
2. Mỗi vùng hạn chế quy định tại khoản
1 Điều này bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất (sau
đây gọi tắt là khu vực hạn chế) quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật tài
nguyên nước và được quy định như sau:
a) Vùng hạn chế 1, bao gồm các khu vực
quy định tại các điểm c, điểm d khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được
khoanh định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
b) Vùng hạn chế 2, bao gồm các khu vực
quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được khoanh định
theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
c) Vùng hạn chế 3, bao gồm các khu vực
quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước, được khoanh định
theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này;
d) Vùng hạn chế 4, bao gồm các khu vực
quy định tại điểm a khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước, được khoanh định
theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này;
đ) Trường hợp có các khu vực hạn chế
thuộc vùng hạn chế quy định tại điểm a, b, c và điểm d khoản này bị chồng lấn
nhau thì phần diện tích chồng lấn được xếp vào Vùng hạn chế hỗn hợp.
3. Các hình thức, biện pháp hạn chế
khai thác nước dưới đất (Điều 5 Nghị định 167/2018/NĐ-CP)
1. Việc áp dụng các hình thức hạn chế
khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 5 Điều 52 của Luật tài nguyên nước
phải trên cơ sở phân loại các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất quy định tại
Điều 4 của Nghị định này, hiện trạng khai thác, sử dụng nước và do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quyết định thông qua việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai
thác nước dưới đất cụ thể quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều
10 của Nghị định này.
2. Việc thực hiện các biện pháp hạn
chế khai thác nước dưới đất phải theo kế hoạch, lộ trình cụ thể trong phương án
quy định tại Điều 13 của Nghị định này, trừ trường hợp sự cố, gây sụt, lún đất
hoặc các tình huống khẩn cấp cần phải xử lý, trám lấp giếng để khắc phục sự cố.
3. Việc thực hiện các biện
pháp hạn chế khai thác nước dưới đất mà có liên quan đến trám lấp giếng thì thực
hiện theo quy định về xử lý, trám lấp giếng không sử dụng (sau đây gọi tắt là
quy định về xử lý, trám lấp giếng); trường hợp liên quan đến cấp, gia hạn, điều
chỉnh, thu hồi, cấp lại giấy phép tài nguyên nước thì thực hiện theo quy định của
pháp luật về tài nguyên nước.