1. Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn
chế khai thác nước dưới đất (Điều 11 Nghị định 167/2018/NĐ-CP)
1. Căn cứ quy định tại Điều 6, Điều
7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này, Sở Tài nguyên và Môi trường các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tài nguyên và
Môi trường) tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số
liệu và khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác trên địa bàn; phân loại,
tổng hợp các khu vực hạn chế, vùng hạn chế và xác định các biện pháp hạn chế
khai thác; lập Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập Bản đồ
phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
2. Danh mục các vùng hạn chế khai
thác nước dưới đất phải bao gồm danh sách từng vùng, từng khu vực hạn chế trong
vùng đó. Mỗi vùng, mỗi khu vực hạn chế phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau
đây:
a) Diện tích hạn chế khai thác;
b) Phạm vi hành chính hạn chế khai
thác;
c) Phạm vi chiều sâu, tầng chứa nước
hạn chế khai thác (nếu có);
d) Các biện pháp hạn chế khai thác áp
dụng.
3. Trên cơ sở Danh mục các vùng hạn
chế khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 2 Điều này, lập Bản đồ phân vùng
hạn chế khai thác nước dưới đất. Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
phải thể hiện kết quả khoanh định các khu vực, vùng hạn chế và các nội dung
thông tin chủ yếu của từng khu vực, từng vùng hạn chế thuộc Danh mục các vùng hạn
chế khai thác nước dưới đất.
Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước
dưới đất được lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình theo hệ tọa độ
VN2000, có tỷ lệ từ 1:100.000 đến 1:10.000 phù hợp với từng địa phương.
4. Trường hợp phạm vi khu vực, vùng hạn
chế có liên quan đến địa phương khác thì Sở Tài nguyên và Môi trường quy định tại
khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường có
liên quan để khoanh định, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đôn đốc,
chỉ đạo.
2. Phê duyệt, công bố Danh mục và Bản
đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (Điều 12 Nghị định 167/2018/NĐ-CP)
1. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi lấy
ý kiến bằng văn bản về kết quả khoanh định vùng hạn chế tới các Sở: Xây dựng,
Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân
cấp huyện) và đại diện cộng đồng dân cư, đại diện một số tổ chức, cá nhân khai
thác, sử dụng nước dưới đất có liên quan.
Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm:
a) Dự thảo Quyết định phê duyệt các
vùng hạn chế khai thác nước dưới đất kèm theo dự thảo Tờ trình;
b) Dự thảo Danh mục các vùng hạn chế
khai thác nước dưới đất;
c) Dự thảo Bản đồ phân vùng hạn chế
khai thác nước dưới đất;
d) Báo cáo thuyết minh kết quả khoanh
định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Báo cáo thuyết minh kết quả
khoanh định phải luận chứng, thuyết minh rõ về căn cứ để khoanh định, phạm vi
khoanh định, việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác đối với từng khu vực,
từng vùng và kèm theo thông tin, số liệu để chứng minh.
2. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường
tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan
và các chuyên gia, nhà khoa học về tài nguyên nước.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, Sở Tài
nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và
Môi trường. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể gửi
hồ sơ để xin ý kiến của các chuyên gia, tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị
liên quan, các chuyên gia để cho ý kiến góp ý. Thời hạn Bộ Tài nguyên và Môi
trường trả lời không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Hồ sơ gửi lấy ý kiến bao gồm:
a) Các tài liệu quy định tại khoản 1
Điều này sau khi đã được hoàn chỉnh;
b) Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến
góp ý của các cơ quan, đơn vị và của hội đồng thẩm định.
3. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình kèm
theo dự thảo Quyết định phê duyệt; dự thảo Danh mục các vùng hạn chế khai thác
nước dưới đất; dự thảo Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; văn bản
góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tài liệu khác có liên quan.
Tờ trình phải bao gồm các nội dung
chính sau đây: Quá trình tổ chức thực hiện việc khoanh định khu vực, vùng hạn
chế; thuyết minh về căn cứ, kết quả khoanh định các khu vực, vùng hạn chế; việc
áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác đối với từng khu vực và việc tiếp thu,
giải trình các ý kiến góp ý.
4. Công bố Danh mục và Bản đồ phân
vùng hạn chế khai thác nước dưới đất:
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể
từ ngày có Quyết định phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ
chức công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên
các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh; thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi có
vùng, khu vực hạn chế khai thác.
b) Việc phê duyệt, công bố Danh mục
và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải hoàn thành trong thời
hạn không quá 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
5. Việc rà soát, điều chỉnh vùng hạn
chế khai thác được thực hiện định kỳ 05 năm một lần hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quyết định việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung vùng hạn chế khai thác khi có một
trong các trường hợp sau:
a) Có sự thay đổi về căn cứ khoanh định
vùng hạn chế theo quy định của Nghị định này làm thay đổi phạm vi khoanh định
khu vực hạn chế khai thác;
b) Có sự biến động về điều kiện tự
nhiên làm thay đổi phạm vi vùng hạn chế hoặc xuất hiện các khu vực cần khoanh định
vùng hạn chế hoặc cần đưa ra khỏi Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
6. Trên cơ sở Danh mục và Bản đồ phân
vùng hạn chế khai thác nước dưới đất của các địa phương đã được phê duyệt, Bộ
Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, công bố các Vùng hạn chế 2 trong vùng hạn chế
khai thác ở khu vực Hà Nội, khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Nguyên,
khu vực thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.
3. Phương án tổ chức thực hiện việc hạn
chế khai thác nước dưới đất (Điều 13 Nghị định 167/2018/NĐ-CP)
1. Căn cứ Danh mục các vùng hạn chế
khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức
điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công
trình khai thác hiện có thuộc các vùng, khu vực hạn chế đã được công bố; lập
phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt
là Phương án) theo quy định của Nghị định này.
2. Phương án phải được xây dựng cụ thể
cho từng khu vực, từng vùng hạn chế và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Danh sách các công trình khai thác
hiện có (đã có giấy phép, không có giấy phép) thuộc từng khu vực, từng vùng;
b) Biện pháp hạn chế khai thác cụ thể
đối với từng công trình;
c) Kế hoạch, lộ trình thực hiện từng
biện pháp hạn chế khai thác đối với từng công trình.
3. Trình tự phê duyệt Phương án:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường gửi
Phương án để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước
trong Phương án. Trường hợp, Phương án có công trình khai thác nước dưới đất đã
được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thì còn phải gửi đến Bộ Tài
nguyên và Môi trường để cho ý kiến về biện pháp áp dụng và kế hoạch, lộ trình
thực hiện;
b) Trong thời hạn không quá 30 ngày
làm việc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản này có trách
nhiệm cho ý kiến bằng văn bản về biện pháp áp dụng và kế hoạch, lộ trình thực
hiện và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;
c) Căn cứ ý kiến của các cơ quan, tổ
chức, cá nhân quy định tại điểm b khoản này, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp,
hoàn chỉnh Phương án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của Nghị định
này, các quy định khác của pháp luật có liên quan, đồng thời đảm bảo các quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc
cấp nước, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
4. Trong thời hạn không quá 15
ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
thông báo tới các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi Phương án tới Ủy
ban nhân dân cấp huyện và Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường
để tổ chức thực hiện.