1. Điều hòa, phân phối tài nguyên nước
(Điều 54 Luật tài nguyên nước)
1. Việc điều hòa, phân phối tài
nguyên nước cho các mục đích sử dụng phải căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước,
khả năng thực tế của nguồn nước, kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước
và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các
tổ chức, cá nhân sử dụng nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ
lưu, giữa bờ phải với bờ trái;
b) Ưu tiên về số lượng, chất lượng nước
cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lương thực và các
nhu cầu thiết yếu khác của người dân;
c) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu
trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất;
d) Kết hợp khai thác, sử dụng nguồn
nước mặt với khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất, nước mưa; tăng cường việc
trữ nước trong mùa mưa để sử dụng cho mùa khô.
2. Trong trường hợp thiếu nước, việc
điều hòa, phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt; các mục đích sử dụng
khác phải được điều hòa, phân phối theo quy định trong quy hoạch tài nguyên nước
lưu vực sông và bảo đảm nguyên tắc công bằng hợp lý.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức
thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông liên tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước
trong phạm vi địa phương
2. Chuyển nước lưu vực sông (Điều 55
Luật tài nguyên nước)
1. Việc lập dự án chuyển nước phải dựa
trên các căn cứ sau đây:
a) Chiến lược tài nguyên nước, chiến
lược bảo vệ môi trường;
b) Quy hoạch tài nguyên nước các lưu
vực sông liên quan; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa
phương và các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực
sông;
c) Đánh giá khả năng thực tế của các
nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của cả lưu vực chuyển nước và lưu vực nhận nước;
d) Đánh giá khả năng ảnh hưởng của việc
chuyển nước đến việc khai thác, sử dụng nước, duy trì dòng chảy, kiểm soát lũ
và tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt trong mùa khô; lợi ích kinh tế của
việc chuyển nước;
đ) Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đối với trường hợp dự án chuyển nước có
liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.
2. Dự án chuyển nước phải có ý kiến
thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định đầu tư.
3. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều
56 Luật tài nguyên nước)
1. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất
phải trên cơ sở đánh giá cụ thể khả năng năng thích ứng về số lượng, chất lượng,
khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước được bổ sung, yêu cầu về khai thác,
sử dụng, bảo vệ nước dưới đất; đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế - xã hội và
môi trường.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm xác định các tầng chứa nước, khoanh định vùng cần bổ sung nhân tạo
nước dưới đất; hướng dẫn thực hiện các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất
thích hợp đối với từng vùng; phê duyệt các phương án bổ sung nhân tạo nước dưới
đất.
4. Gây mưa nhân tạo (Điều 57 Luật tài
nguyên nước)
Việc gây mưa nhân tạo phải căn
cứ vào nhu cầu về nước của vùng thiếu nước và điều kiện cho phép để quyết định
biện pháp, quy mô hợp lý và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.