1. Phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập
úng nhân tạo (Điều 62 Luật tài nguyên nước)
1. Hồ chứa phải có quy trình vận hành
hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước.
2. Hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực
sông phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt.
3. Quy trình vận hành hồ chứa, quy
trình vận hành liên hồ chứa phải bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, phòng, chống
lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước cho hạ du và bố trí dung tích để bảo đảm thực hiện
các nhiệm vụ của hồ chứa, bao gồm cả dung tích để phòng, chống lũ, an toàn cấp
nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường,
biến động về chất lượng nước có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
4. Quy trình vận hành hồ chứa, quy
trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông phải được lấy ý kiến các bộ,
ngành, địa phương, tổ chức lưu vực sông, tổ chức liên quan khác trước khi trình
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Trách nhiệm xây dựng quy trình vận
hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập
danh mục các hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa và xây
dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân quản lý, vận
hành hồ chứa trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy trình vận
hành hồ chứa.
6. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành
hồ chứa phải xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống
đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.
7. Hồ, ao, đầm, phá không được san lấp
để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh
mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố
danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
2. Phòng, chống xâm nhập mặn (Điều 61
Luật tài nguyên nước)
1. Việc quản lý, vận hành các cống
ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải
tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập
mặn.
2. Việc thăm dò, khai thác nước dưới
đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng
chứa nước dưới đất.
3. Việc khai thác nước lợ, nước mặn để
sử dụng cho sản xuất không được gây xâm nhập mặn các nguồn nước và làm ảnh hưởng
xấu đến sản xuất nông nghiệp.
4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng
tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp phải có biện pháp phòng, chống chua, mặn,
xói mòn đất và bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước.
3. Phòng, chống sụt lún đất (Điều 62
Luật tài nguyên nước)
1. Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan
nước dưới đất, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khoáng sản, dầu khí phải tuân thủ
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống sụt, lún đất.
2. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai
thác nước dưới đất phải thực hiện các biện pháp quy định trong giấy phép, tuân
thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kỹ thuật bảo đảm không gây sụt,
lún đất.
Trường hợp xảy ra sụt, lún đất thì phải
dừng việc thăm dò, khai thác, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục và
báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng
sản, xây dựng công trình ngầm, thực hiện các hoạt động khoan, đào khác phải
tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống sụt, lún đất.
4. Ở những vùng bị sụt, lún đất
hoặc có nguy cơ bị sụt, lún đất do hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất
gây ra thì cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước phải
khoanh vùng để có biện pháp hạn chế sụt, lún đất.